Kết quả kinh doanh khởi sắc và những chuyển biến tích cực trong cơ cấu tài sản, nguồn vốn giúp Moody’s nâng đánh giá xếp hạng tín nhiệm của MSB.
Theo đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) vừa nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) từ B2 lên B1, nhờ nâng hạng đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh từ b3 thành b2.
Moody’s đánh giá cao sự cải thiện trong chất lượng tài sản, tăng trưởng lợi nhuận (giai đoạn 2018-2020) và nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh ổn định trong 12 đến 18 tháng tới của nhà băng này.
Theo đó, trong năm 2020, MSB đã xử lý gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu VAMC. Tỷ trọng cho vay bất động sản giảm từ 36% cuối năm 2019 xuống còn 16%. Nhà băng cũng cải thiện khả năng sinh lời do tỷ suất lợi nhuận (NIM) cao hơn (tăng 3,22%) và chi phí tín dụng giảm. NIM của ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ nhờ định hướng tăng trưởng mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tăng tỷ trọng tài sản sinh lời từ đó giảm chi phí vốn. Năm 2020, chi phí vốn giảm 76 điểm cơ bản khi tỷ lệ CASA tăng từ 20,7% lên 29,3%. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm cũng là yếu tố cải thiện NIM.
Mặt khác, nhờ áp dụng số hóa vào quy trình, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của MSB giảm năm thứ 4 liên tiếp, từ gần 64% xuống còn dưới 50%. Nhờ những yếu tố trên, năm 2020, MSB lãi trước thuế 2.523 tỷ đồng, tăng 96% so với năm trước. Hệ số ROE tăng từ 7,3% lên 12,7% và ROA tăng từ 0,71% lên 1,21%.
Nguồn vốn cốt lõi phục vụ hoạt động (core capital) được kỳ vọng ổn định trong 12 đến 18 tháng tới cũng hỗ trợ xếp hạng triển vọng của MSB. Với việc chào bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông và cán bộ nhân viên ngân hàng, kết hợp với việc tăng vốn từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021, nguồn vốn tự được đánh giá là ổn định, từ đó, có thể duy trì hệ số CAR ở mức an toàn.
Quý I/2021, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế 1.147 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2020, tương đương 35% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Khoản lợi nhuận này chưa tính đến phần phí từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền ký kết với Prudential. Tăng trưởng tín dụng của MSB đạt 10,5%. SSI Research dự báo, năm 2021, ROE và ROA của MSB sẽ lần lượt đạt 15,3% và 1,48%.
Đến cuối tháng 3, lượng dư nợ cơ cấu khoảng 1.200 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1,4% cơ cấu. Theo đại diện MSB, khoản thoái lãi trong năm nay ước tính 42 tỷ đồng. Với định hướng thận trọng trong tăng trưởng dư nợ và đẩy mạnh dự phòng nợ xấu, theo SSI Research, tỷ lệ nợ xấu của MSB dự kiến giảm xuống 1,7% trong năm 2021, đồng thời tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu sẽ tăng từ 54% lên 93%.
Các hệ số tài chính chính của ngân hàng cũng cải thiện, trong đó CIR 34,5%, thấp hơn mức 70% của riêng quý I/2020 và 50% của bình quân năm trước. CASA tăng gần 16% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 5%, qua đó nâng tỷ trọng lên 32% tổng tiền gửi.
Các chỉ tiêu an toàn tài chính quý I của MSB đều đảm bảo, CAR đạt 9,64% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 32%. SSI Research dự báo CAR của ngân hàng sẽ nâng lên 11,8% trong năm 2021.
Theo lãnh đạo MSB, nhà băng đang tập trung mở rộng thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chặt đầu ra tín dụng và nâng cao chất lượng tài sản. Trong kế hoạch 5 năm, MSB dự kiến tăng trưởng vốn điều lệ bình quân 8%/năm và mục tiêu đạt 17.300 tỷ đồng vào năm 2024. Bên cạnh đó, MSB cũng để ngỏ khả năng tìm kiếm, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu tài chính với chiến lược đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, tối ưu hóa kinh doanh chuỗi, đẩy mạnh tăng trưởng mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ sinh thái kết nối giữa các tệp khách hàng sẽ được ngân hàng tận dụng cho hoạt động bán chéo, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm (bancassurrance) - một trong những nghiệp vụ trọng tâm năm nay.
Nguồn: vnexpress.net
Muốn đi nhanh hãy đi một mình - Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Tại MSB chúng tôi tin rằng: Cùng nhau – nhất định chúng ta sẽ tạo nên kỳ tích!!!
Xem thêm