"Nghiện Facebook", "Nghiên tiktok", "Nghiện Youtube"... không còn là thuật ngữ mới trong xã hội hiện đại hiện nay. Nó len lỏi vào tất cả đời sống, tất các thế hệ của chúng ta, đặc biệt ở Gen Z - lực lượng lao động chính trong 10 - 20 năm tới của đất nước. Liệu Gen Z có đang nhận thức đúng đắn về vấn nạn này? Và họ đang tận dụng khoảng thời gian nhiệt huyết của tuổi trẻ này ra sao?
Tôi viết bài này trong tâm trạng khá bất lực với "Daily routine" của em gái mình đang là sinh viên. NGỦ và lướt Facebook/Tik Tok được coi là công việc chiếm nhiều thời gian nhất trong ngày của bạn ấy và hầu hết bạn bè cùng lớp (theo lời kể của bạn ấy). Người chị của bạn ấy, với một con mắt từ thế hệ Gen Y khá cảm thấy tức tối với việc sử dụng thời gian lãng phí như vậy. Tôi biết cách sống của Gen Z có phần phóng khoáng, yêu công nghệ và khát khao về "Cái tôi" nhiều hơn thế hệ của chúng tôi. Nhưng e rằng việc dành thời gian hàng giờ để xem phim, lướt Facebook không giúp ích nhiều trên con đường khẳng định bản thân đó dù ở thời đại nào đi chăng nữa. Vậy nếu tôi tin lời kể của em tôi thì phần lớn các bạn Gen Z (chí ít là những bạn xung quanh em tôi) có tận dụng sự bùng nổ công nghệ & thông tin này đúng cách?
1. Giải trí có thực sự là ưu tiên hàng đầu của các bạn sinh viên?
Khi là sinh viên năm 1, em tôi nói rằng em cần xả hơi sau 12 năm học hành vất vả nên kỳ này em sẽ chơi và tham gia các hoạt động của trường. Lại một lần nữa tôi ủng hộ việc tham gia các hoạt động của trường và đoàn hội tuy nhiên về tâm lý xả hơi thì chắc chắn nên bài trừ khỏi tư tưởng của các bạn sinh viên năm nhất. Có lẽ việc không phải làm bài tập mỗi tối, không cần mặc đồng phục đi học, không có sao đỏ hay lịch học tín chỉ linh hoạt làm chúng ta cảm thấy đời sinh viên thật tuyệt với và tự cho phép bản thân mình "buông thả", nghỉ ngơi sau 12 năm học hành. Tôi nhận ra tư tưởng ấy cũng đúng với tôi ngày đó, chỉ khác là tôi vẫn khá sợ bố mẹ nên việc đi học đủ và đúng giờ vẫn được coi là nghĩa vụ của con cái. Thời ấy cũng không nhiều cám dỗ giải trí như bây giờ, thế giới showbiz cũng chỉ gói gọn trong Lam Trường, Mỹ Tâm, Bigbang, 2NE1... Giờ đây thì có hàng ngàn thông tin đến đời tư của các sao, người yêu, gia đình thậm chí "trà xanh" của các sao các bạn đều không bỏ qua thông tin nào cả. Tôi tự hỏi việc nắm thông tin "gia phả" của các IDOL có lợi ích gì cho cuộc sống của bạn trong khi thuộc tên và nhớ mặt tất cả họ hàng của mình nhiều bạn còn không nhớ nổi?
Hãy bắt đầu việc sắp xếp những mức độ quan trọng và thứ tự ưu tiên trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu bạn làm phóng viên hay công tác trong lĩnh vực giải trí thì việc cập nhật các tin tức nóng hổi và tiếp cận các kênh thông tin "trending" và điều cần thiết để nắm bắt xu hướng. Tuy nhiên ngành học của bạn là Kế toán hay Ngân hàng thì hãy để việc nắm bắt thông tin nay mang đúng tính chất là "CHO VUI" và giảm thiểu tối đa thời gian "CHO VUI" này để sau này bạn không phải tiếc nuối vì đã "LỠ VUI QUÁ".
Việc lựa chọn thời gian biểu như thế nào là quyền của mỗi người, nhưng với kinh nghiệm của một người đi trước tôi mong rằng các bạn sinh viên hãy đừng lãng phí thời gian của mình trong quãng thời gian đầy nhiệt huyết và năng lượng này cho những việc vô ích trước khi quá muộn.
2. Chương trình học ở trường lớp hiện nay chưa đủ hấp dẫn?
8:30AM vào lớp nhưng 9h00AM tôi vẫn thấy bạn ấy đang bận chải chuốt tô son kẻ mắt các thứ. Đính chính em gái tôi cũng không nằm trong "HỆ ĂN CHƠI" hay gì cả, học hành cũng thuộc dạng khá và đang theo học Trường Đại học thuộc TOP đầu ở Hà Nội. Tôi khá sốt ruột giục và chỉ nhận lại được câu là: Chị yên tâm, thầy này không điểm danh nên đến lúc nào cũng được. Vậy tiêu chuẩn của việc đi học hay không là do thầy điểm danh chứ không còn là lẽ thường tình tất nhiên như tôi hay các phụ huynh nghĩ và mong muốn nữa.
Thực ra vấn đề chương trình hay cách thức giảng dạy ở Việt Nam hiện nay chưa bắt kịp xu hướng đã là vấn đề tốn không ít giấy mực của báo chí và cụm từ "Cải cách giáo dục" đang là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước và Các cơ sở đào tạo nhưng không thể viện cớ đó để phủ nhận tầm quan trọng của việc học lý thuyết trên trường được. Chính từ trải nghiệm của bản thân tôi khẳng định việc học lý thuyết trên trường dù cách thức đào tạo như thế nào cũng cung cấp một nền tảng kiến thức chuyên ngành cho các bạn, và từ những kiến thức đó chính là tiền đề để phát triển chuyên môn của bạn trong tương lai.
Nên tôi muốn nhắn nhủ với em gái mình, và các bạn cùng trang lứa của em dù có thể các em nghe nhiều rồi: Việc học đại học, học chuyên môn không đảm bảo đầu ra là một công việc có thu nhập cao nhưng chắc chắn một điều nếu bạn không học chuyên môn thì rất rất khó để bạn tạo ra thu nhập tốt bằng những năng lực vốn có của mình được và ở Việt Nam con đường ngắn và bằng phẳng nhất cho việc tích lũy kiến thức chuyên môn chính là học Đại học.
3. Không phải ai đọc sách cũng thành công nhưng chắc chắn những người thành công đọc rất nhiều sách
Việc thu thập kiến thức hiện nay có thể thực hiện trên rất nhiều kênh như tham gia khóa học, xem video clip, webinar... nhưng sách vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp kiến thức, chia sẻ được đúc rút từ những chuyên gia hàng đầu. Có rất nhiều thể loại sách để các bạn chọn theo sở thích của mình, hãy lựa chọn loại sách yêu thích, tác giả yêu thích hay thậm chí là nhà văn yêu thích và hãy nhớ đặt ra kế hoạch, mục tiêu đọc sách của mình để đọc sách trở thành thói quan chứ không phải là nghĩa vụ bạn nhé.
4. Không ai thành công bằng việc chỉ nhìn ngắm đam mê của người khác
Như các bạn đã biết ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ và sự đa dạng thông tin trên các kênh truyền thông giúp tạo ra nhiều sân chơi cho các bạn trẻ khẳng định cá tính, tài năng của mình. Như việc rất nhiều Hot blogger, Tiktoker trở nên nổi tiếng nhờ tài năng thiên bẩm của mình hay đơn giản hơn cũng là không gian giúp các bạn tự tin hơn về bản thân trước cộng đồng. Nếu không đề cập đến những nội dung xấu tôi hoàn toàn ủng hộ việc này vì chính tôi cũng không đủ tự tin để so sánh các kỹ năng này của mình với các bạn bây giờ. Các bạn ngày nay tự tin hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều, các bạn được trang bị kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện...hay thậm chí là tự trau dồi qua các hoạt động ngoại khóa/online, đây là những hiệu ứng tích cực từ sự đa dạng của các kênh truyền thông bao gồm cả nội dung và phương thức truyền thông.
Tuy nhiên công tác quản lý những nội dung này còn nhiều lỗ hổng dẫn đến tồn tại tràn lan những nội dung nhảm nhí thậm chí độc hại vẫn được lưu hành và thu hút hàng triệu lượt view của cộng đồng. Liệu bạn có tin rằng mình tiếp cận những thông tin hữu ích hay chưa? Chưa kể đến nếu cứ dành hàng giờ cho việc xem hết những màn phô diễn kỹ năng của người này đến người khác mà không có những hành động trau dồi kỹ năng cho bản thân mình thì bạn có trở thành người có kỹ năng hay không?
Không ai thành công bằng việc chỉ nhìn ngắm đam mê của người khác cả nên hãy hành động ngay từ những việc nhỏ nhất, hãy tự lên kế hoạch cho bản thân bằng những hành động nhỏ tưởng chừng đơn giản nhưng đó cách để rèn luyện những thói quen tích cực cho một tương lai rộng mở đầy thách thức nhé hơi Gen Z.
Và đừng quên rèn luyện đủ sức khỏe và có một chế độ ăn uống hợp lý cho một trái tim và trí lực khỏe mạnh nhé.
Khám phá các cơ hội việc làm khác tại MSB
Muốn đi nhanh hãy đi một mình - Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Tại MSB chúng tôi tin rằng: Cùng nhau – nhất định chúng ta sẽ tạo nên kỳ tích!!!
Xem thêm