Menu
close

Nhận thưởng Tết xong là nghỉ việc: Là “phũ phàng” hay “giọt nước tràn ly”?

  • 24/02/2021

Bạn có kế hoạch nghỉ việc vào thời điểm sau Tết, khi đã nhận đủ lương thưởng của năm cũ. Nhưng liệu hành động này có khiến bạn chịu tiếng xấu "phũ phàng" hay không?

Giai đoạn sau Tết là thời điểm vô cùng nhạy cảm khi những lá đơn nghỉ việc xuất hiện ồ ạt ở hầu hết các công ty. Bởi hầu hết người đi làm đều lựa chọn nghỉ việc sau Tết, khi đã nhận được thưởng – hoa hồng của năm trước nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho bản thân. Tuy nhiên, hành động này cũng khiến nhiều người đi làm – đặc biệt là nhân sự trẻ bị đánh giá là “phũ phàng”. Nhưng liệu những chỉ trích này có là chính xác hay không? Và nhảy việc sau khi nhận xong lương thưởng có phải là hành động sai lầm?

Lý do khiến nhiều người lựa chọn nghỉ việc sau Tết? 
Theo Văn hóa phương Đông, năm mới chính là lúc bắt đầu những khởi đầu mới nên nhiều người sẽ lựa chọn thời điểm này để tìm cho mình một công việc khác mới mong muốn có một sự nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, một lý do khác tác động mạnh mẽ đến thời điểm quyết định nghỉ việc của hầu hết người đi làm đó là giai đoạn sau Tết Nguyên Đán cũng là lúc hầu hết họ nhận được đầy đủ các khoản thưởng như lương tháng 13, thưởng doanh thu, hoa hồng… của bản thân sau một năm một năm lao động miệt mài. Khi đã nhận được đầy đủ các khoản cố định bắt buộc chỉ nhận vào cuối năm này thì nhiều người đi làm xuất hiện suy nghĩ “nhảy việc”.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian sau Tết cũng là thời điểm “đã chốt” về các quyết định thăng chức, tăng lương của một người đi làm tại công ty hiện tại. Và cơ hội để họ được thăng tiến trong công ty hiện tại là ít nhất trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, nhảy việc thì người đi làm có được cơ hội thăng chức, tăng lương nhanh chóng hơn rất nhiều. Vì thế nếu một người đi làm muốn thay đổi công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội mới cho sự nghiệp trong thời điểm sau Tết là điều vô cùng dễ hiểu.

Hơn nữa, sau Tết chính là lúc bước vào “mùa tuyển dụng” sôi nổi. Người tìm việc có thể dễ dàng để lựa chọn cho mình một việc làm lương cao tại một môi trường đáp ứng được các yêu cầu của họ. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ người đi làm quyết định nhảy việc sau Tết tăng cao.

Thời điểm “nhạy cảm” khiến vấn đề trở nên “kịch tính”
Đúng là khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm lý tưởng để người đi làm thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên, điều này lại gây ra khủng hoảng và áp lực về nhân sự cho công ty khi bộ máy nhân sự bị xáo động lớn ngay thời điểm vừa quay trở lại guồng hoạt động. Thật khó cho công ty khi khởi động một năm với nhiều dự án và mục tiêu mới lại rơi ngay vào cảnh thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Nhất là với những vị trí nhân sự đòi hỏi kinh nghiệm và phải đào tạo bài bản lại từ đầu.

Điều này làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều về quyết định nhảy việc sau Tết của người trẻ hiện nay. Một số ý kiến cho rằng hành động nhảy việc sau khi lãnh đủ thưởng thể hiện sự phũ phàng ra đi tạo nên áp lực cho doanh nghiệp đã đồng hành gắn bó. Nhưng một số ý kiến lại bảo vệ người lao động cho rằng việc nhận thưởng là quyền lợi tất yếu của nhân sự vì đã làm việc và cống hiến suốt một năm, còn việc doanh nghiệp để nhân sự “dứt áo ra đi” là do họ không đáp ứng kỳ vọng của người lao động và tạo ra được động lực duy trì sự gắn bó lâu dài. Vì với một người đi làm, không thể bắt họ cứ mãi chờ đợi lời hứa từ công ty rằng “cứ cống hiến, nỗ lực là sẽ được ghi nhận”.

Là “phũ phàng” hay “giọt nước tràn ly”?
Thật ra, là “phũ phàng” hay “giọt nước tràn ly”, điều này phụ thuộc vào cách ứng xử của người đi làm trong quá trình nộp đơn nghỉ việc. Nếu bạn hành xử đúng mực, có thông báo rõ ràng và hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình với công ty, nỗ lực cống hiến đến giây phút cuối cùng thì chắc chắn chẳng ai trách móc được bạn. Vì suy cho cùng, tìm kiếm một công việc mới mức lương xứng đáng, có nhiều cơ hội thăng tiến là điều mà ai ai cũng mong muốn.

Tuy nhiên, bạn sẽ trở thành con người “phũ phàng” nếu thể hiện thái độ không đúng mực trong quá trình đợi nghỉ việc. Vì trên thực tế, khi thông báo nghỉ việc bạn phải hoàn tất bàn giao công việc trong vòng từ 30 – 45 ngày, thời gian này công ty vẫn trả lương và làm đúng các nghĩa vụ với bạn, và điều này đồng nghĩa với việc bạn cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Đừng chỉ vì bức bách, nghĩ rằng bản thân sắp nghỉ mà có thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, không hoàn thành đúng những hạng mục được giao.

Bên cạnh đó, nhiều người đi làm sau khi nghỉ việc có những hành động như chỉ trích, chê bai công ty vì những áp lực mình đã chịu đựng. Nhưng việc này sẽ khiến bạn bị đánh giá tiêu cực vì bởi dù chuyện gì đã xảy ra, công ty cũ cũng đã góp phần giúp đỡ bạn phát triển hơn trong công việc.

Vì thế, nếu không muốn chịu điều tiếng bởi quyết định nhảy việc sau Tết, bạn hãy cân nhắc và cẩn trọng trong việc hành xử nhé! Vì trái đất tròn, chúng ta không thể ngờ được điều gì sẽ xảy đến đâu!

Nguồn: HR Insider

Khám phá các cơ hội việc làm khác tại MSB

Bạn đã sẵn sàng “VƯƠN TẦM SỰ NGHIỆP” cùng MSB?

Muốn đi nhanh hãy đi một mình - Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Tại MSB chúng tôi tin rằng: Cùng nhau – nhất định chúng ta sẽ tạo nên kỳ tích!!!

Xem thêm